Sunyata Meditation Sangha Stuttgart


LePhatDan_2025_NiSu_TrietNhu

THUYẾT TRÌNH NGÀY LỄ PHẬT ĐẢN

TẠI LINDEN MUSEUM, ĐỨC QUỐC, 5-2025


Nam mô Bổn sư Thích ca mâu ni Phật

Kính bạch chư Tôn Đức,

Kính thưa quý thân hữu,


Trước nhất, chúng tôi xin trân trọng chào mừng quý vị đã hiện diện ngày hôm nay để chúng ta cùng tưởng niệm Đức Phật Thích Ca, vị Thầy cao quý của chúng ta. Ngài đã đến cõi đời này trong mùa xuân tại vườn Lumbini, ngài đạt vô thượng chánh đẳng giác trong một đêm mùa xuân tại rừng cây bồ đề ở Bodh Gaya, và ngài nhập diệt cũng trong một đêm mùa xuân tại khu rừng cây sa la ở Kushinagar. Ba sự kiện này đều xuất hiện trong tháng Vesak theo lịch xưa của Ấn Độ. Hôm nay chúng ta cùng nhau nhắc lại những sụ kiện quan trọng trong cuộc đời của ngài để tưởng niệm đến công đức của ngài đối với chúng ta. Và chúng ta rút ra được những bài học gì từ những kinh nghiệm thực tế của ngài.


Ngài là một con người có thật, khoảng giữa thế kỷ thứ 6 sang đầu thế kỷ 5 trước công nguyên. Đức Phật Thích ca là vị Phật lịch sử duy nhất của thời đại nhân loại chúng ta.


Đây là những chi tiết trong sử liệu, chứng minh ngài là một người có thật, không phải là 1 vị thần linh.

1. Gia thế của ngài:

Quê hương Ngài là kinh đô Kapilavatthu, một dãy đất phì nhiêu dọc theo chân dãy núi Himalaya, biên giới Ấn độ- Nepal,

Ngài tên là Siddhattha, dòng họ gia đình là Gotama.

Cha ngài là Suddhodana, cai trị bộ tộc Sakka tại Kapilavatthu.

Mẹ ngài là bà hoàng hậu Māyā, quê hương bà nay thuộc Nepal.

Vợ là công chúa Yasodhāra, con trai là Rahūla.

2.  Rời khỏi gia đình, đi tu tập :

  • Lý do rời khỏi gia đình: sau khi nhận ra con người không ai thoát khỏi sự già, bệnh và chết, ngài tỉnh ngộ, quyết tâm đi tìm cách ra khỏi những sự đau khổ vì già, bệnh và chết cho mình và người khác. Lúc đó ngài 29 tuổi.
  • Vị thầy thứ nhất là ông Āḷāra Kālama, hướng dẫn ngài 3 tầng thiền yoga đầu tiên.
  • Vị thầy thứ hai là : ông Uddaka Rāmaputta, hướng dẫn ngài tầng thiền yoga thứ 4.
  • Tuy nhiên dù kinh nghiệm 4 tầng thiền vô sắc này, ngài nhận thấy không phát huy thượng trí và kinh nghiệm niết bàn, nên ngài bỏ đi.
  • Giai đoạn khổ hạnh : ban đầu là kham khổ, bớt ăn, uống, ngủ, nghỉ v v…Về sau, khổ hạnh nhiều hơn, sống trong rừng sâu, không đi khất thực nữa, ngủ ngoài trời khi nắng nóng và khi tuyết lạnh v v…

  Kết quả của 6 năm tu tập này là :

  • Ngài đã thử nghiệm tất cả những cách tu tập thời đó, nhưng đều thất bại : không phát huy thượng trí hay không kinh nghiệm niết bàn.
  • Thân thể suy yếu, gầy còm.
  • Nhưng ưu điểm là: ngài đã tẩy rửa tất cả những ham muốn / lậu hoặc : tài, sắc, danh, thực, thùy.
  • Tâm cứng cỏi, sắt đá, làm chủ được thân, làm chủ cảm thọ.
  • Tâm trở nên trong sạch, khách quan, trong sáng, thiện lành. Nhưng chưa biết rõ con đường làm sao phát huy trí tuệ cao thượng.
  • Ngài tỉnh ngộ nhận ra đời sống khổ hạnh khắt khe là sai lầm, mà đời sống lợi dưỡng phóng túng cũng sai lầm, từ đó ngài chủ trương Trung Đạo, ban đầu ý nghĩa của Trung Đạo là đời sống vật chất dung hòa, không lợi dưỡng thái quá cũng không khổ hạnh thái quá. Về sau, Trung Đạo có ý nghĩa sâu sắc hơn, là không rơi vào quan điểm chấp có sự hiện hữu thường hằng vĩnh viễn hay trái lại, quan điểm chấp vào sự phủ nhận tất cả, không có tái sinh, không có tội lỗi hay công đức, không có thế gian v.v…

3.  Nhớ lại kinh nghiệm lúc còn nhỏ:

bấy giờ, ngài đi khất thực trở lại, sức khỏe lần lần phục hồi. Tâm thanh thản. Ngài chợt nhớ lại : lúc còn nhỏ, khỏang 10 tuổi, khi vua cha xuống ruộng làm lễ cày cấy cho cả nước, ngài một mình ngồi bên đường, dưới bóng mát cây jambu, một buổi sáng mùa xuân, cây cảnh xanh tươi, hít thở không khí trong lành, tâm ngây thơ trong sáng, ngài chợt thấy thân tâm nhẹ hẫng thênh thang, tĩnh lặng vô cùng. Nhẹ khép mắt, cảm nhận hỷ lạc tràn đầy. Thời gian đi qua, vua cha trở lên, đảnh lễ thái tử, đang nhập định. 

  • Bây giờ, ngài đã 35 tuổi, tâm trong sạch, thanh thản, không vướng mắc chuyện đời, buông bỏ những cách tu sai lầm, không mong cầu nữa, tâm hồn nhiên như lúc thơ ấu, ngài chợt rơi vào sự tĩnh lặng thênh thang, hồn nhiên tỉnh thức, hỷ lạc tràn đầy. Ngài tự hỏi : "Đây có phải là con đường đưa tới giác ngộ không?" Rồi tự biết: "Đây là con đường đưa tới giác ngộ". Ngài tự hỏi : "Ta có sợ chăng hỷ lạc này?" Và tự biết : "Ta không sợ hỷ lạc này".

4.  Chứng ngộ Bốn tầng Thiền:

Trong khu rừng hoang, ngài chọn 1 gốc cây cổ thụ pipphala, rồi ngồi xuống, tĩnh tâm. Dòng sông tâm của ngài tuôn chảy từ trạng thái hỷ lạc tràn đầy, chuyển sang trầm lặng hơn, chỉ còn an lạc, sự an lạc nhẹ nhàng rồi tiến sang thanh thản, không cảm thọ khổ lạc hay hỷ ưu. Tâm thực sự rỗng rang, khách quan và tĩnh lặng bất động. Sau 4 tầng thiền, cuối cùng, Ngài nhận ra :

  • Tất cả những kiếp sống quá khứ lâu xa của chính mình
  • Nhận ra con người cũng tái sinh nhiều kiếp do nghiệp của đời trước tạo ra quả cho đời sau.
  • Cuối cùng nhận ra nhân của tái sinh là lậu hoặc, những điều đam mê ưa thích huân tập nhiều đời tạo ra nghiệp để phải tái sinh.
  • Lần chứng ngộ này xem như ngài đạt quả vị Arahant, tâm hoàn toàn trong sạch.

5.  Khoảng mấy ngày sau, vẫn còn ở tại Bodh Gaya, ngài chứng ngộ thêm lần thứ 2. Đó là nhận ra Y DUYÊN TÁNH / Dependent Origination của thế gian (Idapaccayatā).

Chúng ta tạm trình bày những chân lý như sau :

  • Tam pháp ấn (3 characteristics) : vô thường, khổ, vô ngã
  • Lý duyên khởi, Pháp duyên sinh.

       Thuộc về Hiện tượng học / Phenomenology

  • Tánh Không, tánh Huyễn, tánh Chân như, tánh Bình đẳng và Niết bàn.

       Thuộc Bản thể học / Ontology.

       Bấy giờ ngài được người đời tôn là Vô thượng chánh đẳng giác / Anuttara Sammā Sambodhi, là quả vị Phật.

6.  GIÁO HÓA:

trong suốt 45 năm, ngài đã đi giáo hóa nhiều nơi miền bắc xứ Ấn Độ thời đó, gặp gỡ nhiều hạng người đủ thành phần, giai cấp khác nhau. Ai đến với ngài cũng được lợi ích, an vui. Giáo pháp của ngài về sau được ghi lại thành kinh điển, xưa nhất là kinh tạng Nikāya, bằng tiếng Pāli. Chúng ta có thể tạm chia ra 2 thành phần:

1.  Những chân lý khách quan, thường hằng trong thời gian và không gian, vận hành tất cả thế gian. Chúng ta đã có nhắc tới, đó là:

  • Vô thường, khổ, vô ngã
  • Y duyên tánh
  • Không, huyễn, chân như, bình đẳng tánh và niết bàn.

2.  Những phương pháp tu học do đức Phật giảng dạy: tứ diệu đế, tứ niệm xứ, thất giác chi, tam học: giới- định- tuệ, tam tuệ: văn- tư- tu v v…

Ngài nhập diệt năm 80 tuổi.

Chúng ta mới vừa nhắc lại những sự kiện quan trọng trong cuộc đời của đức Phật, sau đây chúng tôi xin trình bày ngắn gọn vài nhận định sau cùng:

  1. Ngài đã giải phóng con người khỏi áp lực của thần linh, khi ngài chứng ngộ và giảng dạy về Y Duyên Tánh, là qui luật tự nhiên thành lập và vận hành cả vũ trụ và con người. Không có bàn tay khống chế của thần linh.
  2. Ngài đã chủ trương tất cả mọi người đều bình đẳng, mỗi người đều có bản tâm hoàn toàn thanh tịnh bình đẳng. Không có phân chia giai cấp như trong xã hội Ấn Độ thời đó.
  3. Ngài đã trui rèn con người phải tự chủ tự lập, có tự do ý chí và chịu trách nhiệm hoàn toàn về những ý nghĩ, lời nói và hành động của mình. Mỗi người là chủ tạo ra Nghiệp của mình và phải nhận chịu những kết quả của nghiệp đó. Không có định mệnh an bày do thần linh.
  4. Phật giáo không phải là 1 tôn giáo, vì Phật giáo không có giáo chủ, cũng không có giáo điều. Phật giáo là những lời giảng dạy về một lối sống thiện lành, tạm gọi là Thiền Phật giáo.

 

Trước khi dứt lời, chúng tôi xin gởi đến quí vị lời chúc tốt đẹp nhất: thân và tâm an lạc, tuệ phát huy, viên mãn con đường giác ngộ. Đó là chúng ta dâng lên đức Phật tấm lòng tri ân cao thượng của mình.

 

Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni Phật.


Share by: