Sunyata Meditation Sangha Stuttgart


Lehre-VN-05

Trí năng tỉnh ngộ
Luận về tự ngã tỉnh ngộ
Trong việc thực hành thiền, chúng ta thường dùng những chủ từ để dựng lập thành câu văn cho đúng nghĩa của câu văn. Thí dụ thông thường 2 từ “chúng ta” được thông dụng nhất. Kế đó là từ ngữ “tôi”. Rồi tiếp theo đó là từ ngữ cái nầy là của tôi, đây là tự ngã của tôi. Ba cụm từ đó, nếu chúng ta xét cho tới cùng thì chúng ta nhận thấy rằng bên trong cốt lõi của ba cụm từ đó thật sự chẳng có cái nào là tôi. Nhưng sở dĩ chúng ta đặt tên đây là “tôi”…vì rằng chúng ta phải mượn cơ chế giác quan và niệm thốt ra thành lời để chúng ta lập nên những khái niệm. Như vậy nếu chúng ta muốn không có những khái niệm đó bật lên trong đầu chúng ta thì chúng ta cắt đứt mạng lưới tư duy và chúng ta chỉ giữ thầm lặng biết thì tất nhiên những khái niệm kia không thể bật ra. Như vậy chúng ta thực hành thiền trong ý nghĩa tự ngã tỉnh ngộ, đó là chúng ta phải tự mình áp dụng chủ đề “không suy nghĩ” cộng với niệm thầm nhận biết để chúng ta đạt được trạng thái tĩnh lặng. Sự tĩnh lặng đó tương xứng với niệm “không nói thầm trong não”. Ở đây, về từ ngữ “tự ngã tỉnh ngộ”, đó là cách chúng ta muốn dùng một chủ từ để mô tả một trạng thái tỉnh ngộ mà thực sự vai trò tỉnh ngộ đó vốn do trí năng bên trong não bộ của chúng ta đảm nhận. Như vậy nếu chúng ta buông bỏ hết tất cả khái niệm thì trong đầu chúng ta sẽ chỉ còn lại niệm biết rõ ràng về môi trường chung quanh, bên trong cơ thể và bên ngoài cơ thể chúng ta một cách tĩnh lặng.
Nhưng tại sao phải tỉnh ngộ? Đó là vì trước kia chúng ta quá say mê những pháp đưa đến an lạc trong nhất thời mà trong kết quả lâu dài chúng ta sẽ chỉ nhận ra một tràng đau khổ. Bây giờ chúng ta tỉnh ngộ buông bỏ những pháp kia để thực hành pháp mới. Đó là sự tỉnh ngộ của tự ngã. Trên phương diện tu thiền chúng ta phải trải qua nhiều lần tỉnh ngộ mới hi vọng đạt được mục tiêu cứu cánh của thiền. Trong đó bước đầu tiên là chúng ta phải nhận ra vai trò và chức năng của tâm bậc Thánh (tức cơ chế tánh giác trong Thiền Tông) và phương pháp thực hành để đạt được những trạng thái tâm đó đến mức độ cuối cùng. Chúng ta phải buông bỏ tất cả khái niệm để vào chỗ không còn khái niệm gì nữa hết, kể cả cái ta tỉnh ngộ cũng không còn hiện hữu trong đầu chúng ta. Lúc bấy giờ theo thuật ngữ thiền trong hệ kinh Bát Nhã gọi trạng thái đó là thể nhập chân như hoặc tự ngã thanh tịnh tuyệt đối.
 Bây giờ, với vai trò trí năng tỉnh ngộ, ta áp dụng cách tu Chỉ, với chủ đích làm cho nội tâm của ta dừng lại bằng 2 từ Không Nói. Hễ bất cứ lúc nào mắt của ta vừa chạm trán với một đối tượng nào đó, ta liền dùng 2 từ Không Nói vừa đủ tai nghe. Bằng cách đó chính chúng ta đã tiến hành thực hành 2 từ Không Nói. Mục đích chính là chúng ta muốn tiến sâu vào lãnh vực cắt đứt lời nói thầm và sự đối thoại thầm lặng trong đầu, đồng thời làm nổi bật lên vai trò của tự ngã đã thật sự tỉnh ngộ. Tức là chúng ta không còn duyên theo những pháp thiền nào khác mà trước đây chúng ta đã chạy theo những pháp thiền đó. Thế nên trong bước tỉnh ngộ nầy là đầu mối của con đường đi vào dòng thánh, để rồi từ đó chúng ta sẽ nhận ra tâm bậc thánh hay tánh giác. Đó là niệm biết không lời của tâm thanh tịnh. Như vậy chúng ta nhận thấy vai trò của trí năng tỉnh ngộ rất là quan trọng trong sự hành thiền, một khi tự ngã đã tỉnh ngộ thật sự thì xét về mặt nội tâm là chúng ta không còn sử dụng những loại quán tính cũ mà chúng ta đã bị những loại quán tính đó gây nên những sự thăng trầm trong cuộc đời của chúng ta. Bây giờ chúng ta đã tỉnh ngộ rồi thì sự tỉnh ngộ này được thể hiện dưới hình thức hoạt động của trí năng qua cách sử dụng niệm biết không lời bên trong cơ chế của tánh giác. Để rồi từ đó chúng ta sẽ tùy nghi hoạt động theo những mô thức mà chúng ta đã tự chọn lấy. Do đó vai trò tỉnh ngộ của trí năng (tức là của cái ngã nầy) đóng một phần quan trọng trong sinh hoạt thiền của chúng ta.

Thay Thich Thong Triet


Share by: