Sunyata Meditation Sangha Stuttgart


Lehre-VN-03

                      Giá trị của làm chủ sự suy nghĩ



TÁC DỤNG CỦA SUY NGHĨ 


Trên mặt tiêu cực, suy nghĩ đưa đến những tác hại như sau: 

 

  • Trước hết suy nghĩ là một tiến trình làm cản trở sự yên lặng của tâm. Do đó, nó cũng làm cản trở sự phát huy tánh giác. Vì suy nghĩ động, tánh giác không có mặt. 

 

  • Khi một người thường xuyên suy nghĩ, tâm của người đó đã dính mắc với đối tượng. Càng suy nghĩ, càng tạo ra sự rối loạn tâm. Có nhiều loại suy nghĩ đưa đến tiều tụy thân xác, suy nhược thần kinh, chán nản, như suy nghĩ về cái chết của người thân thương nhất. Suy nghĩ về tương lai của đứa con mà mình thương yêu nó nhất nhưng bây giờ nó không còn nghe lời khuyên dạy của mình, gia nhập theo du đảng. Suy nghĩ về sự ngoại tình của chồng hay của vợ. … Càng suy nghĩ , tâm ta càng rối loạn, càng tạo ra bệnh tâm thể. 

 

  • Nó là chướng ngại của sự ngộ đạo (religious realization). Ta sẽ không thể nào thấy được chân lý, nếu ta cứ dùng suy nghĩ để kiến tánh. Vì suy nghĩ đồng nghĩa với không thấy. Nếu đã thấy thì không suy nghĩ. Và khi suy nghĩ thì ta cứ bươi móc mớ kiến thức cũ. Ta cứ đi lòng vòng trong suy luận chủ quan.

 

  • Suy nghĩ tạo ra thêm ước tính sai lầm do tính chủ quan và thành kiến tạo ra. Từ đó huân tập thêm nghiệp bất thiện. Thí dụ, khi ta có thành kiến về người nào đó, bất luận điều gì họ làm, ta đều nghĩ xấu về họ. Đưa đến sự vu khống hay chụp mũ họ. Đây là vô tình ta đã tạo nghiệp bất thiện. Tất nhiên, đến ngày nào đó ta phải lãnh quả dội ngược lại do những suy nghĩ xấu và ác độc của ta đối với người khác.

 

  • Tập khí hay lậu hoặc được xây dựng trên cơ sở của những tiến trình suy nghĩ.

 

  • Suy nghĩ không đạt được Chỉ và Định. Vì tâm cứ lăng xăng dao động. 

 

  • Suy nghĩ không đưa đến ngộ, cũng không đưa đến thấy.

 


Trên mặt tích cực, suy nghĩ đưa đến những điều lợi như sau:

 

  • Làm việc gì ta biết cân nhắc kỹ lưỡng: không để rơi vào sai trái, phạm giới luật mà ta đã thọ; không a tòng để hùa theo việc làm sai trái của một nhóm người nào.

 

  • Ta không tin mù quáng. Biết tránh ác, làm thiện. Biết mở rộng tâm từ, tâm bi và tâm hỷ. Biết xả bỏ những quan điểm sai lầm về chấp trước. Không ngoan cố, khư khư bảo thủ quan điểm. Biết tránh bệnh chủ quan.

 

  • Sống biết đủ. Tâm được an ổn. Không có tinh thần bè phái.

 

  • Biết chọn pháp học và pháp hành. Không chú trọng thiền lý.

 


SỰ KHÁC NHAU GiỮA SUY NGHĨ VÀ TÁNH GIÁC 

Suy nghĩ là sự hoạt động không dừng của đối thoại thầm lặng hay nói thầm trong não. Chủ thể của nó là tự ngã hay ta/tôi. Nó được hình thành dựa trên đối tượng bên ngoài giác quan hay bên trong tâm. Nó không có khả năng ngộ hay thấy.Tánh giác là cái biết vô ngôn, thường hằng và đồng bộ. Nó không có chủ thể. Nhưng để giả lập một chủ thể, các nhà Phật giáo Phát Triển tạm đặt tên là Chân ngã hay Ông Chủ. Nó không dựa trên đối tượng. Khả năng của nó là ngộ hay thấy. Suy nghĩ là chất xúc tác tạo ra thêm tập khí hay lậu hoặc. Người mang nhiều suy nghĩ, không đạt được tự tại. Tánh giác là chất xúc tác tạo ra nội chứng, làm đào thải tập khí hay lậu hoặc.

Tánh giác chỉ có mặt khi nào suy nghĩ vắng mặt. Cả hai suy nghĩ và tánh giác đều hoạt động thường trực. Nhưng tánh giác hoạt động trong vô ngôn, suy nghĩ hoạt động trong hữu ngôn. Tánh giác cho ra đáp án chỉ khi nào suy nghĩ và trí năng ngưng hoạt động. Vì thế, tuy tánh giác vẫn thường xuyên hoạt động nhưng nó không đóng được vai trò của nó để cung cấp dữ kiện kiến giải của nó. Lý do, suy nghĩ vẫn hoạt động nên nó không biểu lộ được khả năng của nó. Bằng phương pháp của Thiền, ta có khả năng làm cho tánh giác đóng được vai trò của nó.


SUY NGHĨ ĐỐI NGHỊCH VỚI THIỀN

Tổ Đạt Ma nói: “Không suy nghĩ về bất cứ việc gì đó là Thiền. Một khi ngươi biết việc này, đi, đứng, nằm, ngồi, mọi việc ngươi làm đều Thiền. Biết như thế là tâm trống không, tức là thấy Phật.” 

Thấy có nghĩa đạt được bằng mắt tâm, bằng chứng ngộ. Khi đó bạn hiểu liền tức khắc và trực tiếp. Thiền dạy ta thấy, chứ không dạy ta suy nghĩ. Vì thế, suy nghĩ luôn luôn đối nghịch với Thiền. Thiền là sản phẩm của thấy. Suy nghĩ là sản phẩm của tưởng tượng. Nó không đi thẳng vào cốt tủy của Thiền. Suy nghĩ là tự mình nói chuyện với mình. Thấy là sự chứng ngộ bằng vô ngôn. Không đạt được vô ngôn, không đạt được Thiền. Càng suy nghĩ, càng xa rời thiền. Càng suy nghĩ càng không chuyển hóa thân tâm và trí tuệ. Kết quả theo chiều sâu của Thiền là tự tại, chứ không vui thích trong nhất thời. Khi vui thích trong nhất thời, bạn tự ru ngủ bạn. Thiền không dạy ta tự ru ngủ, mà phải tiến thẳng vào thực tại. Thực tại đó là cái không tên. Nó là “bản lai diện mục” của chính bạn. Muốn đến nó, phải phá tan đám rối tư duy.


Khi không thấy, người ta mới suy nghĩ. Còn khi đã thấy thì không ai lại suy nghĩ. Khi bạn lâm vào bế tắc trên công việc, bạn cần ngồi để suy nghĩ. Đó là lúc bạn đương mò mẫm (groping), đương ở trong bóng đen của vô minh. Đó là vì bạn chưa thấy. Nếu đã thấy thì bạn không cần phải mò mẫm. Cho nên, khi mò mẫm là vì bạn chưa thấy. Còn khi đã thấy thì bạn không còn mò mẫm nữa. Bạn nhận ra liền tức khắc vấn đề. Vì vậy, suy nghĩ không phải là trí. Nó là hiện thân của vô minh. Nó cứ dò dẫm trong bóng tối.


Thầy Thích Thông Triệt

Khoá Tu Định có tầm có tứ


Share by: