Bây giờ Thầy sẽ trình bày tại sao dùng hai từ không nói để đi thẳng vào định.
Đó là qua lần ngộ đạo đầu tiên, Thầy nhận ra rằng định chính là pháp tu của Đức Phật. Trải qua hơn 7 năm dụng công, Thầy mò mẫm, mà không đạt được mục tiêu của tu định. Rồi đến một hôm, Thầy nhận ra định là trạng thái biết không lời. Còn trước đó thì Thầy cứ dùng lời để đi tìm nghĩa lý của định, thì mãi mãi làm sao tìm thấy được. Thế rồi qua một lần bế tắc cùng tột, Thầy viết một tràng phủ định. Đến chữ không cuối cùng, Thầy quẹt mạnh cây bút bi. Thầy đưa cánh tay lên cao, và nhìn theo cánh tay của mình. Ngay trong lúc đó, trong não thầy kiến giải ra rằng “định thật sự là trạng thái không có gì để nói. Ông đã sai lầm rồi, vì ông cứ đi tìm nghĩa lý để gắng lên từ ngữ định thì mãi mãi Ông vẫn chơi trò chơi cút bắt, vì định có gì đâu mà Ông phải tìm, nó chỉ là trạng thái biết không lời.” Sau khi kiến giải ra được từ ngữ định là gì, Thầy liền phá lên cười...
Từ đó thầy biết rằng, muốn tu định thì phải dùng hai từ không nói. Dùng hai từ không nói đó cho đến khi nào nó đã thật sự in sâu trong não bộ của chúng ta, lúc bấy giờ chúng ta mới thực sự thành công trong việc tu định. Cho nên về sau này, khi đi dạy thiền, thầy đều dùng hai từ không nói để hướng dẫn người chuyên tu về định, để họ biết cách dụng công qua hai từ không nói. Và Thầy cũng đã thiết lập nên bản đồ nhận thức, để khi mình dụng công, đến chỗ mình bị bế tắc, thì mình có thể lật ra, ở đó có sự chỉ dẫn giúp mình vượt qua bế tắc, đến mục tiêu cuối cùng.
Meister Thích Thông Triệt