Sunyata Meditation Sangha Stuttgart


Lehre-VN-01

 TÂM TRONG ĐẠO PHẬT
BA SẮC THÁI TÂM
Thông thường khi được học về Phật Pháp, chúng ta thường có khuynh hướng ham thích học kinh điển Đại thừa và bài bác kinh điển Nguyên Thủy. Do đó đưa đến chúng ta thiếu cơ sở nhận định giá trị của tâm và nhận thức như thế nào trong đạo Phật.

Hôm nay chúng tôi sẽ tuần tự trình bày ba nhóm tâm khác nhau như thế nào hay giống nhau như thế nào trong não bộ của con người, qua các kinh điển Nguyên Thủy và Đại Thừa như kinh Kim Cang và Kinh Pháp Hoa. Đây là hai bộ kinh tiêu biểu của khuynh hướng Đại Thừa. 

Trước hết là tâm phàm phu gồm có: 
1) Tâm hiện tại là Ý thức 
2) Tâm quá khứ là Ý căn và 
3) Tâm tương lai là Trí năng. 

Đặc tánh của 3 nhóm tâm đó:
  • Có lời,
  • Về Ý Thức- Tâm hiện tại - luôn luôn tạo nghiệp được gọi là nghiệp thức,
  • Khi còn sống thì mỗi hành vi, cử chỉ của chúng ta đều liên hệ đến ý thức qua giác quan của chúng ta. 

  • Từ nơi mắt chúng ta thấy sắc, được truyền vào nhãn thức làm khởi lên tâm phân biệt, từ nơi đó liền phát sinh 3 sắc thái tâm: 1) Ưa thích 2) Ghét bỏ 3) Không ưa/Không ghét. 
  • Từ nơi tai chúng ta nghe âm thanh, được truyền vào nhĩ thức. Nơi đó chúng ta khởi lên 3 trạng thái tâm phân biệt về tiếng của âm thanh: 1) Ưa thích 2) Ghét bỏ 3) Không ưa/Không ghét. 
  • Về mũi thì chúng tạo ra sự phân biệt các mùi thông qua giác quan được gọi là tỉ thức.
  • Về lưỡi có sự phân biệt các vị thông qua thiệt thức.
  • Về da có sự phân biệt các xúc chạm thông qua thân thức.
Tóm lại, ngoài 5 giác quan chúng ta được khởi lên tâm phân biệt so sánh về đối tượng được gọi là tiền ngũ thức, công được xếp làm hàng đầu mà tội cũng là hàng đầu.
  • Bây giờ đến thức thứ 6 được gọi là Mạt na thức, thức nầy là sự kết hợp với ý căn để tạo nên sự phân biệt của đối tượng qua giác quan, đó gọi là pháp trần. 
Như vậy từ nơi 6 thức, nếu chúng ta cứ mặc tình để cho chúng hoạt động, thì chúng ta sẽ tạo ra một mang lưới khái niệm có lời hay không lời. Kết quả là chúng ta sẽ tạo ra mạng lưới nghiệp thức khi chúng ta còn sống. Khi chúng ta chết đi, mạng lưới nghiệp thức đó sẽ trở nên một mạng lưới cận tử nghiệp. Đến khi chúng ta ra đi vĩnh viễn thì mạng lưới cận tử nghiệp đó sẽ trở thành thức tái sanh trong 6 cõi của chúng ta. Do đó đối với người tu theo đạo Phật, nếu biết cách ứng dụng chánh niệm tỉnh giác thì sự ra đi vĩnh viễn của chúng ta, một là có khả năng chuyển đổi nghiệp thức của chúng ta từ xấu thành tốt, hoặc là chúng ta có khả năng “xù” nghiệp nghĩa là chúng ta sẽ không còn bị quy luật vay trả hay trả vay trong nghiệp thức của chúng ta.

Tâm quá khứ - Ý căn.
Đặc tính của tâm nầy là thường ghi nhận và tích lũy những dữ kiện trong dời sống hàng ngày của chúng ta nên nó được gọi là tâm quá khứ. Từ những mẫu chuyện nhỏ nhặt đến những mẫu chuyện to lớn trong sinh hoạt hằng ngày của cá nhân đều được tâm nầy ghi nhận do đó dễ đưa đến tâm xúc cảm. Những loại bệnh tâm lý hay tâm thể đều xuất phát từ tâm quá khứ, khi nó kết hợp với tâm hiện tại thì con người dễ rơi vào vòng tranh chấp. Đây là lúc nó không tỉnh ngộ. Đấu tranh thù hận cứ miên viễn xuất hiện bằng hành vi cử chỉ từ thô đến vi tế, từ nhân nghĩa đạo đức đến sắc máu, từ giết hại một tập thể nhỏ đến tàn sát một tập thể lớn. Ví dụ như 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản đã bị tiêu hủy trong đệ nhị thế chiến bằng bom nguyên tử. Và bằng ý thức, con người đã tạo ra chiến tranh ý thức hệ.


Tâm tương lai - Trí năng.
Trí năng đóng vai trò Đức Phật mô tả như một người họa sĩ tài danh, nó cứ vẽ ra những hình ảnh tốt đẹp cho con người mà nó không bao giờ biết mệt mỏi. Do đó chúng ta biết rằng đặc tính của tâm nầy là suy luận vẽ vời. Nhưng nó tỉnh ngộ thì nó giúp ích cho hai thứ tâm kia sẽ đi vào đường giác ngộ và giải thoát. Còn nếu nó không tỉnh ngộ thì nó là tên đầu xỏ gây ra nhũng điều ác như trong đệ nhị thế chiến, những vị bị tòa án quốc tế kết án là những tay chuyên môn bày mưu tính kế giết hại hàng triệu người tập thể. Thí dụ như trại tập trung ở miền Nam nước Đức, hàng triệu dân Do Thái bị chết ngạt ở trại tập trung Dato. Những vị đó là những vị rất thông minh nhưng chuyên xử dụng trí năng méo mó để tàn sát con người không cùng nòi giống với mình.

Trí năng còn đóng vai trò quan trọng trong việc xử thế cũng như trong việc thực hành thiền vì chính nó là một cơ quan đắc lực của ý căn và ý thức. Nếu một khi trí năng đã tỉnh ngộ thì con đường tiến hóa về tâm linh của chúng ta mới gặt hái được kết quả ngộ đạo trong thiền. Ví dụ trong điển tích về sự ngộ đạo cua một vi tăng được gọi là tăng hàng thịt do hòa thượng Hư Vân kể lại trong quyển sách của ngài về “Đời tu thiền cua tôi”. Một hôm có một vị tăng đi ngang qua một hàng thịt, nghe tiếng chộn rộn trong hàng thịt: người thì đòi chặt cho miếng thịt nầy, người thì đòi chặt cho miếng thịt kia. Trong lúc đó người bán thịt heo cầm một con dao bầu chặt mạnh xuống, miệng người ấy nói rằng cái nầy không phải là thịt sao? Ngay lúc đó vị tăng vừa đi ngang qua nghe tiếng con dao bầu chặt mạnh xuống đồng thời cũng nghe luôn lời quát của người hàng thịt. Bổng nhiên vị tăng đó ngộ đạo. Sự ngộ đạo của trí năng cần phải có:

1. Có một nghi vấn.
2. Trí năng bế tắc.
3. Ngay lúc đó một trong 4 tánh được kích thích thì mình sẽ đạt được ngộ đạo.
Do đó bây giờ chúng ta muốn ngộ đạo thì chúng ta áp dụng cách đóng cửa vùng tiền hồi đai thì tức khắc tín hiệu sẽ đi vào trung hay hậu hồi đai. Bằng trung hồi đai thì chúng ta kích thích vùng của tánh nghe và tánh xúc chạm. Bằng hậu hồi đai thì chúng ta sẽ kích thích vùng của tánh thấy. Chúng ta quen gọi 3 tiến trình ngộ đạo đó là thông qua sự phản xạ giác quan. Ngoài ra còn có sự ngộ đạo tối hậu phải thông qua sự phản xạ thụ động. Đó là chúng ta kích thích tánh nhận thức biết không lời. Như vậy qua 3 tiến trình hoạt động của tâm phàm phu chúng ta nhận thấy rằng 3 tâm đó cũng có mang lại lợi ích thiết thực cho chúng ta trong việc khai mở trí tuệ tâm linh.

  • Tâm hiện tại. Với tâm nầy, ý thức không cần có đối tượng vì hễ có đối tượng thì sanh ra tâm dính mắc liền. Trên cơ sở đó, tâm nhị nguyên được hình thành từ nơi ý thức. Nếu ta biết dụng công đúng mức thì nơi ý thức ta sẽ có kinh nghiệm là thân hành không động.
  • Về tâm quá khứ là ý căn, nếu ta biết dụng công theo lời Phật dạy thì chúng ta sẽ kinh nghiệm được ý hành không động. 
  • Về tâm tương lai là trí năng, nếu ta biết dụng công đúng mức thì khi chúng ta tiếp xúc với đối tượng, chúng ta không suy luận, suy đoán bằng cách chúng ta khóa dường mòn ngôn ngữ để cho tâm ngôn yên lặng. Tức là nơi đó chúng ta sẽ kinh nghiệm được ngôn hành không động. Tóm lại, tâm phàm phu tuy dẫy đầy dính mắc, nhưng nếu chúng ta biết dụng công đúng mức theo lời Phật dạy trong kinh hay Tổ dạy trong luận thì chúng ta sẽ kinh nghiệm được tâm giải thoát khỏi tất cả lậu hoặc kiết sử và tùy miên.
  • Bản năng cũng là một loại sắc thái tâm cũng có cái biết không lời như tâm bậc thánh nhưng bên trong nó dẫy đầy lậu hoăc bẫm sinh. Là người tu thiền chúng ta cần nhận ra sắc thái tâm đó. Nó chính là bản năng của chúng ta: 1) Bản năng sinh tồn 2) Bản năng tình dục 3) Bản năng tự vệ 4) Bản năng chiến đấu và 5)Bản năng từ bi.
Đặc tính của tâm bậc thánh là cái biết không lời. Trong Phật giáo nguyên thủy, đức Phật đã chia tâm nầy thành 4 nhóm: tánh nghe, tánh thấy, tánh xúc chạm và tánh nhận thức biết. Trong đó hoàn toàn không có cái ta làm chủ thể. Nếu dụng công tu thiền đúng theo lời Phật dạy trong kinh, cuối cùng chúng ta sẽ đạt được vô ngã hay chứng ngộ qua 4 tánh (abhisamaya).

Thí dụ như kinh Bahiya: Trong cái thấy chi là cái thấy. Trong cái nghe chỉ là cái nghe. Trong cái thọ tưởng chỉ là cái thọ tưởng.Trong cái thức tri chỉ là cái thúc tri.
Nếu dụng công và đạt được 4 tánh thì đường tu của chúng ta xem như đạt được tối hậu. Vai trò của tâm bậc thánh đưa chúng ta đến thoát khổ, giác ngộ và giải thoát bằng niệm biết không lời, nếu chúng ta biết cách dụng công theo đặc tính của tâm bậc thánh. Cuối cùng chúng ta cứ an trú thầm lặng vào chỗ “không lời” tức thì nơi đó sẽ tạo ra một trạng thái tâm đặc biệt. Đó là tâm giải thoát. Như vậy về vai trò của tâm bậc thánh, tâm này có khả năng giúp chúng ta cắt đứt được phiền não khổ đau và luân hồi sanh tử. Về chức năng của tâm bậc thánh: Khả năng xây dựng định từ thấp đến cao hơn. Thí dụ như tạo ra một khung định và sau đó tùy ý thích của chúng ta muốn bỏ vào khung định đó bằng loại định nào cũng được.

Trong Phật giáo nguyên thủy, đức Phật đã chia ra nhiều mức độ định. Mỗi mức định đó đều đáp ứng cho mỗi nhu cầu khác nhau. Thí dụ như Không Định, Vô tướng tâm định, 3 cửa giải thoát gồm có Không định, Vô tướng định, Vô nguyện định. Tựu trung tất cả loại định đó đều có chức năng giúp cho cơ thể của chúng ta đạt dược cân bằng hay hài hòa từ bên trong nội tạng đến bên ngoài giác quan. Tiến xa hơn nữa là chức năng của định giúp cho cơ thể của chúng ta có những khả năng kỳ diệu. Nếu chúng ta vào được trong vùng của tánh nhận thức biết, từ nơi đó chúng ta sẽ biết cách sống thích nghi trong mọi hoàn cảnh. Đặc biệt khi vùng tánh nhận thức biết được khai triển, thì chúng ta sẽ kinh nghiệm được tứ vô lượng tâm mà không cần quán chiếu tưởng tượng rải tâm từ bi đến 4 phương 8 hướng. Chúng ta sẽ tự mình đào thải hết tất cả lậu hoăc hay tập khí, kiết sử, tùy miên. Chúng ta cũng không còn mang bệnh “khen mình chê người”. Chúng ta tự mình nhận thức biết rõ ràng tất cả mọi người đều là nạn nhân của nghiệp mà chính họ đã tạo ra. Từ đó chúng ta sống ung dung tự tại trong môi trường sống của chúng ta. Nếu cần phát huy năng lực định thì chúng ta cứ an trú trong tánh nhận thức biết không lời. Sau đó chúng ta sẽ kinh nghiệm được sự khai triển năng lực tâm linh. Đó là phần phát huy năng lượng tứ vô ngại giải (từ, câu, nghĩa và biện tài vô ngại giải), hay những khả năng sáng kiến, sáng tạo và những khả năng đặc biệt ngoài giác quan như trực giác, siêu trực giác.

Vào thời Phật, đức Phật xoáy trọng tâm vô 4 thứ tâm gọi là tâm bậc thánh. Về sắc thái tâm đưa đến chứng ngộ, đức Phật gọi là tâm nhu nhuyến, thuần tịnh, không cấu nhiễm, dễ sai khiến, ngoài lý luận gọi là atakkavacara. (Chữ “a” đứng đầu có nghĩa là “không có”, “takka” là lý luận, “avacara” là ngoài phạm vi). Lúc đó ngài đi đến chứng ngộ. Về sau khi đi giáo hóa, đức Phật mô tả lại trạng thái tâm đó là tâm như. Vào thời đức Phật, ngàì chưa mô tả trạng thái đó là tâm Phật. Mãi dến về sau nầy, Phật mô tả trạng thái tâm đó như sau: Khi bắt đầu đi giáo hóa, đức Phật gặp một ông cư sĩ tên là Dona. Ông thấy Phật thần sắc tươi tốt không giống như người bình thường, liền hỏi đức Phật: “ Ông có phải là một vị trời không?” Đức Phật trả lời: “không”. Vị kia hỏi tiếp: “Vậy chứ ông là ai?”. Đức Phật liền trả lời : “Ta là người đã đến như thế”, thuật ngữ gọi là Tathagata. Từ đó, Tathagata trở thành danh xưng của đức Phật, gọi là Như Lai. Trong kinh Phật Thuyết Như Vậy, Đức Phật nói: “ Người nào thấy pháp thì thấy Ta. Người nào thấy Ta thì thấy pháp”. Chỗ đó kinh Kim Cang nói rằng “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng phi tướng tất kiến Như Lai”. Kinh Kim Cang còn mô tả thêm một đoạn văn để dẫn dắt người tu nhận ra được chỗ đó là chỗ gì. Kinh nói rằng: “Bất ưng trụ sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, sinh tâm. Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Trong lúc đó thì kinh Pháp Hoa đề cập đến: “Phật ra đời vì một đại sự nhân duyên là chỉ bày Phật tri kiến”. Ngoài ra kinh cũng còn đề cập đến: “Vào nhà Như Lai mặc áo Như Lai, ngồi trên tòa nhất thiết pháp không để nói pháp.” Từ chỗ đó cho thấy rằng pháp Như Lai là pháp tối hậu. Cho nên trên bước đường dụng công, muốn đi đến chỗ tối hậu đó, chúng ta cần phải thể nhập vô 2 từ Như Lai thì tức khắc chúng ta sẽ nhận ra nghĩa của câu: “Bất ưng trụ sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, sinh tâm. Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”.
Tóm lại về 3 sắc thái tâm trong đạo Phật đưa đến cho chúng ta thấy rằng tâm bậc thánh và Tâm Như là 2 sắc thái tâm tuy có cùng chung một đặc tính như nhau nhưng sự phản ứng của 2 sắc thái tâm đó đều khác nhau. Về tâm bậc thánh thì đòi hỏi chúng ta phải trải qua 2 tiến trình dụng công: một là tiến trình dụng công bằng cách tạo ra phản xạ giác quan, hai là bằng cách buông xả hết tất cả các giác quan, để rồi từ sau đó chúng ta mới bước vô được tòa nhà Như Lai. Chỗ đó kinh gọi là “vừa mới thấy tánh”. Sau đó chúng ta cần phải nỗ lực dụng công thêm để bước vào nhà Như Lai. Lúc bấy giờ chúng ta mới nhận ra được sắc thái tâm nầy chỉ là “như vậy thôi”. (Từ ngữ ‘như vậy” là “tathà”, tiếng Anh là “suchness” hay “thusness”.)
Về đặc tính 2 thứ tâm đó đều giống nhau, đó là không nói thầm trong não, nhưng mức độ thì khác nhau. Bằng chánh niệm tỉnh giác chúng ta mới vừa nhận ra “nhận thức biết rõ ràng đầy đủ”. Bằng tâm nhu nhuyến , thuần tịnh, không cấu nhiễm, ngoài phạm vi lý luận thì đưa chúng ta đến “nhận thức biết rõ ràng đầy đủ mà không có lời nói thầm.” Chỗ đó gọi là Tánh “tự nhận thức biết rõ ràng đầy đủ” đã xuất hiện.

Chú thích về “Vô tướng tâm định”: VTTĐ là trạng thái định do tâm tạo nên, do đó đức Phật mới cho rằng người mà đạt được VTTĐ đó thì hãy còn luân hồi sanh tử cho đến khi nào vị ấy bỏ luôn chức năng của tâm thì mới hoàn toàn sạch hết lậu hoặc. Như vậy chỉ cần ta an trú trong “Vô tướng định” thì ta sẽ gặp Như Lai. Thiền yoga khi vào phi tưởng phi phi tưởng xứ định cũng là vô tướng tâm định.

Thich Thong Triet 2019


CHÚ THÍCH:
• Lậu hoặc: tác dụng về mặt thân, tâm, trí tuệ tâm linh.
• Kiết sử: sợi dây trói buộc mình với đối tượng qua truyền thống.
• Tùy miên: trạng thái xúc cảm ngủ ngầm trong tâm của con người. Nó sẽ đưa đến sự bùng nổ có thể giết hại người hay tự giết hại nó luôn. Thông thường tùy miên thường hay xảy ra trên mặt tình cảm giữa 2 con người với nhau. Thí dụ: 1 người nam và một người nữ yêu nhau mà không được toại nguyện, kết quả đưa đến là 2 người cùng bị bệnh tương tư, hoặc có khi chỉ có 1 người tưởng nhớ đến người kia mà người kia không hề hay biết. Người bị bệnh tương tư có thể kéo dài từ năm nầy sang năm khác và đành chịu chết mà người kia vẫn âm thầm làm ngơ coi như không hề hay biết. Còn có 1 thứ tùy miên gây ra phản ứng tâm rất ác độc như vị hoàng tử của nước Nepal, đã bắn chết vua cha và hoàng hậu rồi cuối cùng ông tự sát luôn. Câu chuyện xãy ra như sau: Hoàng tử vốn yêu một cô gái con nhà bình dân. Vua cha và hoàng hậu không bằng lòng. Buổi sáng sớm hôm đó vua cha và hoàng hậu có mời hoàng tử dến ăn sáng. Nhân tiện vua cha có đề cập đến chuyện hôn nhân của thái tử với cô gái bình dân. Sau đó mọi người nghe tiếng ồn ào giữa thái tử và vua cha. Rồi bỗng nhiên nghe tiếng súng nổ kết quả đưa dến là 3 thân người nằm sóng soài nằm trên vũng máu.
• Bây giờ nguồn gốc của luân hồi sanh tử là lậu hoặc. A la hán là những vị tu sạch hết lậu hoặc nhưng còn phần kiết sử phải cắt đứt cho được trọn vẹn. Có tất cả là 10 giây trói buộc: 5 thượng phần kiết sử và 5 hạ phần kiết sử. Đó là những thứ giây trói buộc do con người tự làm ra và tự trói buộc chính mình như: lễ nghi cúng vái sao hạn và những tập tục truyền thống thế gian qui định. Nay chúng ta đã theo Phật rồi thì những thứ tập tục đó cần phải buông xả hết để nội tâm mình không còn vướng mắc vào một qui định nào hết thì mới được gọi là sạch hết kiết sử.
Share by: