Sunyata Meditation Sangha Stuttgart


Forum-VN-TuHoc-TanSy

Kính thưa đại chúng,  


Bản chất của thiền là mạo hiểm, không cầu an. Sự tịch tĩnh vô ngôn bên trong là một thách thức, buông bỏ tất cả để nhảy vào khoảng không vô tận đó mà không hồ nghi sợ hãi.  Nếu không mang tinh thần vô úy này, chúng ta sẽ bị đẩy ra trở lại vào vùng suy luận đánh giá của trí năng và ý thức phân biệt.  Ánh sáng của chân tâm bấy giờ vụt tắt.

Thiền định là sự cảm nhận liên tục năng lượng và sự sống bên trong, bấy giờ không có ngôn ngữ nào diễn đạt ở đây cả. 

THIỀN là sự trực nhận không ngừng trước thế giới hiện tượng và đối tượng giác quan tiếp xúc.

ĐỊNH   là sự liên tục của sự trực nhận đó dù cho đối tượng có đổi thay. 

THIỀN là duy trì tiếp xúc với thế giới bên ngoài qua 5 Giác Quan, giữ sự cảm nhận liên tục đó mà không có ý nghĩ, phê phán, xét đoán xen vào.

ĐỊNH là sự mở rộng liên tục của 5 Giác Quan, không bám chấp và không có người tiếp nhận đối tượng.


Tan Sy

Nhận thức biết không lời

là cái có sẵn nơi mỗi con người


Khi đi sâu vào lãnh vực nhận thức biết không lời thì ta sẽ bắt gặp những hoạt động không thông

qua suy nghĩ như phản ứng tự nhiên hay hành động theo bản năng tự nhiên. Có thể nói đây là

những hoạt động được điều khiển bởi một loại thức không lời tiềm ẩn sâu hơn nhận thức biết không

lời. Hành động qua rồi, ý thức mới xuất hiện, và lên tiếng "tôi không biết làm sao tôi đã thực hiện

hành động ấy".


Trong nhiều hoạt động trong đời sống hàng ngày, nếu quan sát kỹ, ta sẽ nhận ra rằng ý thức luôn là

"kẻ đến sau" nhận thức biết.

Vấn đề là chúng ta nhận ra sự khác biệt giữa một hoạt động xuất phát từ nhận thức không lời và một

hoạt động mà ta điều khiển bằng suy nghĩ hay có ý làm động tác đó. Ví dụ như những vận động

viên hay những nghệ sĩ nhảy múa, họ có cảm nhận cơ thể rất nhạy cảm. Khi cử động, mọi động tác

di chuyển liên tục không cần phải suy nghĩ hoặc điều khiển. Trên thực tế, sau một hai phút thể hiện

bài múa, ta mới nghĩ rằng "tôi đã hoàn thành tốt động tác ấy". Ngay trong lúc múa, không có ý nghĩ

tôi đang múa. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy nếu có suy nghĩ xen vào thì sự di chuyển kia có thể

bị gián đoạn, hay trở nên vụng về, không suông sẻ. Vậy ý thức về tôi múa đến ngay sau khi ta đã

hoạt động bằng nhận thức biết. Ở đây ta thấy chỉ có sự cảm nhận hoạt động của cơ thể, trong thiền

ta gọi là dùng nhận thức không lời trong quá trình thể hiện hoạt động của mình.


Có những cử động cho ta thấy như tự điều chỉnh lại bước chân khi mình bị vấp một vật gì, hay bị

mất thăng bằng khi chạy xe đạp v.v. Tất cả những hoạt động ấy đều thuộc về khả năng của nhận

thức biết không lời. Chúng ta đâu có suy nghĩ khi nó đang xảy ra, nó chỉ việc tự vận hành và lấy

lại thăng bằng, thế thôi. Sau khi giữ được thăng bằng rồi, ý thức mới nhảy ra "hú hồn...".

Hãy sống với cái khả năng giữ thăng bằng ấy, trong sự hài hòa, không cần ai kia tham gia và lên

tiếng ồn ào quá. (Ý tôi muốn nói là cái tâm ba thời nó lăng xăng, ồn ào, và rách việc...)

Bây giờ, xin nói thêm về khả năng cảm nhận hoạt động của cơ thể, khả năng cảm nhận này khác với

dùng ý để điều khiển tay chân như một cổ máy . Ta sẽ làm rõ điều này vì thông thường ít người để

tâm đến hoạt động điều khiển của tâm. Bây giờ nếu ta để ý quan sát sự hoạt động của chính mình

trong sinh hoạt hàng ngày thì ta sẽ nhận ra mỗi hoạt động đứng lên ngồi xuống đều tự nhiên. Ở đây

không có sự điều khiển mà chỉ có sự nhận biết trực tiếp hoạt động của thân. Căn bản là cảm nhận

hoạt động của cơ thể có nơi mỗi con người một cách trực tiếp và tự nhiên, còn việc cơ thể hoạt động ra sao thì ta cần ý thức để xác nhận.


Thực hành thiền là nhận thức được điều này, mọi hoạt động từ lúc vào phòng thiền, thiền hành,

thiền tọa, xả thiền vv... đều được thể hiện chậm rãi với cảm nhận trực tiếp và tự nhiên này, không

để suy nghĩ xen vào. Đó là hoạt động với nhận thức không lời. Cái cảm nhận trực tiếp và tự nhiên

này là cái có sẵn trong mỗi con người. Nó là cái biết không lời trong lúc thực hành thiền, đó là cái

định mà Thầy Thiền Chủ đã định nghĩa, cái biết không lời. Mặc dù là có sẵn nơi tôi, nhưng phải

đợi Thầy chỉ rõ ra...tôi mới biết !!!


Tâm không



Thời gian luôn chuyển động.
Tâm ba thời sinh ra.
Có tâm, có chuyển động.
Tâm không, ba thời không.

Thân này luôn chuyển động.
Tử sinh làm qui luật.
Còn tâm, còn sinh diệt.
Không tâm, không tử sinh.

Tâm người luôn chuyển động.
Sắc thọ tưởng nối đuôi.
Hành thức làm duyên nghiệp.
Ngũ uẩn không, Tâm không.

Không tâm, không chuyển động.
Tâm không, chuyển động không ?

NHỮNG ĐIỀU CHIA SẺ CHO THIỀN SINH MỚI

(Tiếp tục phát động Phong trào của Thầy - p.1)





Kính thưa đại chúng,

 Rút kinh nghiệm từ những khóa tu 2019 tại TV Chân Như với Cô Nhất Như, chúng tôi xin chia xẻ với tất cả thiền sinh tham gia khóa tu định online kỳ này với mục đích mang lại kết quả tốt nhất cho mọi người tham gia và cả ban tổ chức khóa tu.

Thực tập lắng nghe trong thời thiền: Quí vị thiền sinh tham gia khóa tu này xin cố gắng lắng nghe và làm theo lời Cô Nhất Như hướng dẫn mà không để sự suy nghĩ và đánh giá xen vào. Đây là kinh nghiệm của nhiều thiền sinh đã tham gia các khóa tu trước.

Ôm sát chủ đề: Chủ đề mà quí vị đang thực hành không chỉ giữ trong thời gian online với Cô Nhất Như mà phải tiếp tục trong sinh hoạt hàng ngày, mọi lúc mọi nơi. Chủ đề cần được lập đi lập lại cho đến chỗ thuần thục và biến thành nhận thức vững chắc. Có như thế chúng ta mới đạt được tầng định mà mình đang nhắm đến.

 Chuyển đổi tình thế: Chúng ta cùng nhau biến thời gian sống cách ly này thành cơ hội nhập thất chuyên tu thiền định. Biến lo âu sợ hãi thành những ngày bình an trong thiền tập, và được trở về với chính mình. Quan trọng là chuyển đổi sự “nói thầm triền miên trong đầu” thành trạng thái “biết mà trong não không nói thầm “, thành cái “biết không lời”.

Người mới thực hành “không nói” nên để ý là chúng ta không nên ra sức đè bẹp các suy nghĩ trong đầu, tạo thành cuộc chiến trong tâm. Chúng ta chỉ đơn giản “đổi chỗ” cho những suy nghĩ vẩn vơ bằng hai từ “không nói”, hay bằng cái “biết không lời”. Làm chủ suy nghĩ, chứ không phải là chiến đấu và tiêu diệt suy nghĩ.

Điều Thầy Thiền Chủ thường nhắc nhở và nhấn mạnh là: cốt lõi trong việc tu định là cái “biết không lời” và sự miên mật thực hành là chìa khóa thành công.

Đó là những điều căn bản mà chúng tôi xin chia sẻ trong khóa tu online đặc biệt này, chúc quí vị thực hành có được kết quả.



10.04.2020   Tan Sy

NHỮNG ĐIỀU CHIA SẺ CHO THIỀN SINH MỚI

(Con đường của Thầy p.2)



Kính thưa đại chúng,

Thực hành “không nói” và “thầm nhận biết mình không nói” nhiều ngày liên tục sẽ giúp ta gia tăng năng lực của cái biết, đồng thời cũng giảm dần thói quen đối thoại thầm lặng trong đầu. Bây giờ chúng ta có được khả năng “tắt” được sự đối thoại thầm lặng trong đầu bất cứ lúc nào bằng hai từ “Không Nói”. Như ví dụ của Thầy Thiền Chủ về bó đuốc đang cháy, tắt ngay lập tức khi bị nhúng xuống nước.

 Bây giờ xin bàn về ngôn ngữ trong đầu chúng ta : Tuy đối thoại thầm lặng trong đầu đã dừng nhưng ngôn ngữ để diễn đạt vẫn còn sau đó, ta sẽ tự nói “bên trong tôi đã im lặng rồi” hay “mình đã làm được rồi” hay những câu tương tự như vậy. Thói quen nhận xét, so sánh, đánh giá… vẫn tiếp diễn, nếu không nhận biết điều đó thì lần hồi nó sẽ dẫn ta trở về quán tính đối thoại thầm lặng trong đầu như cũ. Do đó hai từ “Không Nói” phải được sử dụng liên tục… mọi lúc, mọi nơi, mọi tình huống. Khi các giác quan tiếp xúc với các đối tượng ta liền dùng hai từ “Không Nói” để cắt đứt ngôn ngữ trong đầu, không cho thói quen gọi tên, nhận xét, đánh giá, so sánh… bật ra. Thực hành làm sao để ngôn ngữ hay những lời nói không có cơ hội khởi lên trong đầu chúng ta nữa.

Khi tâm ngôn đã dứt, lời nói thầm đã ngưng thì chúng ta đã thiết lập được quán tính yên lặng trong đầu, đối cảnh xúc duyên đều không có ngôn ngữ, chỉ có cái biết mà thôi. Bấy giờ ta sẽ nhận ra lời dạy của Đức Phật trong kinh trong kinh Bàhiya : „Trong cái thấy, chỉ là cái được thấy. Trong cái nghe, chỉ là cái được nghe. Trong cái thọ tưởng, chỉ là cái được thọ tưởng. Trong cái thức tri, chỉ là cái được thức tri…“, chỉ thấy như vậy, chỉ nghe như vậy, chỉ cảm nhận và biết như vậy, không có ngôn ngữ diễn đạt trong đầu. Khi không còn ngôn ngữ diễn đạt thì cái thấy sẽ liên tục và rõ ràng hơn, cái nghe sẽ sâu lắng hơn, và sự cảm nhận cũng sâu sắc hơn.

Muốn thực hành đến chỗ dứt bặt tâm ngôn, chúng ta cần phải có sự dứt khoát và tinh cần của trí năng. Đây cũng là sự quyết tâm của tự ngã đã tỉnh ngộ, mong muốn thoát ra khỏi cái vòng lẩn quẩn của ngôn ngữ, lý luận, ý thức hệ, đấu tranh…và hậu quả của chúng là tranh chấp và khổ não. Vai trò của trí năng tỉnh ngộ là nhận rõ điều này và quyết tâm theo con đường của Thầy, dứt khoát không trở lại với quán tính nói thầm triền miên trong đầu nữa. Ở đây cũng phải nói đến sự tỉnh ngộ về các thỏa mãn và hạnh phúc của thế tục, chúng đặt nền tảng trên so sánh và được thiết lập trên ngôn từ nên chỉ có tính cách tạm thời, vội đến vội đi…Với trí năng tỉnh ngộ, ta nhận rõ điều này, các pháp thế gian là vô thường, nay được mai mất…quyết tâm đi con đường của Thầy đến mục tiêu tối hậu.

Đây là con đường chỉ thẳng của Thầy, mong quí vị đi thẳng về phía trước, với cái biết không lời. Với tự ngã tỉnh ngộ, dứt khoát không trở lại với con đường ngôn ngữ, không sử dụng ý thức để tu, quanh quẩn với phiền não khổ ưu không thoát ra được. Mong quí vị nỗ lực với hai từ “Không Nói”, nhận ra cái biết không lời, đó là cái biết thường hằng, có sẵn trong mỗi người chúng ta.



15.04.2020  Tan Sy


Chìa khóa

 "không nói"

Kính thưa đại chúng,


 Trải qua những ngày sống cô lập do dịch Corona, chúng ta có duyên may được học và thực hành hai từ „không nói“ trong khóa tu online. Trên mặt kỹ thuật, chúng ta đã học qua thiền chỉ, còn gọi là định có tầm không tứ. Đúc kết lại cuối khóa là chúng ta đã học cách chấm dứt sự đối thoại thầm lặng triền miên trong đầu bằng hai từ „không nói“. Mỗi khi sự đối thoại nổi lên trong đầu thì chúng ta liền sử dụng không nói để tắt chúng. Như vậy coi như hai từ „không nói“ là cái công tắc, dùng để tắt những lời nói thầm, những suy nghĩ vẩn vơ trong đầu.


 Mặc dù lậu hoặc trong ta vẫn còn nhiều, chúng vẫn còn khởi lên trong tâm, nhưng chúng ta không còn chìm đắm dính mắc như trước nữa. Vì chỉ cần trở về với hai từ không nói là ngay lúc đó, thoát ra khỏi hầm hố của vọng tưởng rồi. sau đó, nếu không duy trì không nói liên tục, thì chúng ta sẽ rơi vào quán tính cũ, rớt trở lại vào hầm hố của vô minh. Do đó phải liên tục thực hành không nói, phải miên mật dụng công. Thực hành làm sao để những lời nói thầm kia không có cơ hội khởi lên và rủ chúng ta đi chơi nữa. Lúc bấy giờ xem như ta đã đẩy lui được quán tính nói thầm trong đầu. Đến giai đoạn này, điểm then chốt là chúng ta không còn bị giam cầm trong xúc cảm khổ đau kéo dài dây dưa như trước kia nữa. Vì hai từ không nói chính là chìa khóa để ta có thể lập tức thoát ra khỏi mọi tình huống bế tắt. Đây chính là từ lần từ lần, chúng ta có thể làm chủ suy nghĩ, làm chủ cảm xúc, không làm nô lệ cho ma vô minh vọng tưởng nữa.


Vọng tưởng có thể tắt như tắt một cái bóng đèn điện, bằng hai từ „không nói“. Không lo chuyện diệt trừ tham sân si, hay canh chừng vọng tưởng, mà lo tìm cái công tắc. Hễ biết tắt lời nói trong đầu, tất biết bật sáng cái đèn „biết mình không nói“, bóng tối tham sân si vụt mất. Đây là nét độc đáo của cái chìa khóa „không nói“ mà thầy Thiền Chủ đã trao cho chúng ta để mở cửa vượt thoát vô minh.


26.04.2020  Tan Sy

Bài chia sẻ kinh nghiệm thực hành


Buông hai từ không nói



Kính thưa đại chúng,


Trong quá trình thực hành để đi đến cái biết không lời, chúng ta phải trải qua nhiều lần buông bỏ.


 Từ lúc bắt đầu, buông bỏ vọng tưởng suy tư mỗi khi bắt đầu vào lớp thực hành, cho đến mấy ngày nay, quí vị đang thực tập buông hai từ không nói.  Vì có nhiều thắc mắc trong việc thực hành mà chúng ta không có nhiều thời gian để làm rõ chữ buông trong lớp thực hành,  và đó là nguyên nhân của bài chia sẻ này.


Khởi đầu, khi buông hai từ không nói,  ta cần trí năng tỉnh ngộ xem xét mình có rơi lại vào đường mòn ngôn ngữ hay không. Trong đầu có lập lại tiếng „buông“ hay không?  Còn lập lại tiếng „buông“ trong đầu là còn lời nói thầm, thì xem như chưa được. Người hướng dẫn thiền phải dùng lời, nhưng người thực hành phải dùng ý,  buông bằng ý.  Vậy bước đầu tiên xác định là không có chữ „buông“ trong đầu, chỉ có thầm ngưng nói thầm trong đầu, và tự biết trong đầu không còn lời nói nào nữa.  Theo con đường thực hành mà Thầy Thiền chủ đã dạy, có nhiều giai đoạn buông trong các tầng thiền tiếp theo, buông lời, buông thân, buông tâm…đi vào vô trụ.  Ở đây chúng ta chỉ làm rõ nghĩa buông lời, buông ngôn ngữ, buông lời nói thầm trong đầu.


Buông là một sự khởi ý của trí năng để ngừng tiếng nói trong đầu. Ngay giai đoạn này là một trạng thái biết mình không có lời nói thầm.  Nhưng trong giai đoạn đầu, ý thức vẫn còn đang theo dõi để kiểm tra mình có làm có đúng hay không và khởi lên ý nghĩ:  


„Buông rồi, đây là trạng thái yên lặng“,  


„Biết không lời là đây“, 


„Mình làm đúng chưa ?“


„Đây có phải là định hay không ?“…vv  


Đây là sự dò xét của thông thường theo thói quen cũ của ý thức. Khởi đầu chúng ta sẽ lẩn quẩn trong ngôn ngữ vài ngày.  Chuyện bình thường của người bình thường, không phải lo, sau đó sẽ từ lần thuần thục. Chúng ta cần phải nhận ra trong giai đoạn đầu, ngôn ngữ còn sót lại để xem kết quả mình thực hành.  Vui vẻ chấp nhận,  đây là quán tính cũ của trí não, mới bắt đầu là như thế, nhận ra và biết như thế, tiếp tục hai từ không nói, biết mình đang nói rồi lại buông, biết mình không nói.


Trong giai đoạn này, việc thực hành xuất phát từ trí năng tỉnh ngộ và dùng ý để buông.  Phải thực tập buông nhiều lần, nhiều ngày, để đưa cái buông từ ý thức đi vào nhận thức.  Nhờ vào sự thúc đẩy của trí năng tỉnh ngộ, liên tục thực hành, bấy giờ sự buông mới chuyển qua nhận thức không lời được. Đi đến chỗ nhận thức được thành lập vững chắc, thì chỉ cần một niệm buông thì rơi vào ngay khoảng yên lặng, chỉ còn cái biết của tánh giác. Nhưng cái biết của tánh giác chưa có đủ năng lực để duy được lâu!  Và nếu không duy trì sự có mặt của cái biết thì ý thức sẽ nhảy vào tuyên bố „đây là cái biết không lời“.  Vậy là trở lại, làm lại từ đầu.  Do đó hai từ „không nói“ phải được lập đi lập lại để ý thức không có cơ hội xen vào.  Nếu suy nghĩ không chen vào được, như vậy thì xem như là chúng ta thực hành đúng khớp.  Phải thực hành cho đến khi quán tính yên lặng trong đầu được thành lập vững chắc.


Tóm tắt : Buông là một tín hiệu dùng ý tắt tầm. Không chỉ buông hai từ không nói, mà buông tất cả những gì xót lại trong đầu chúng ta.  Buông… buông liền ngay đó, không nắm bắt, chỉ còn lại duy nhất một cái biết thầm lặng.  Khởi ý buông là điểm mé cuối cùng để cái đang biết đi vào khoảng trống vô ngôn.


Mong được chia sẻ để quí vị không rơi vào tình trạng đi quẩn quanh trong ngôn ngữ mà không thoát ra được.  Đọc xong liền buông, chỉ là ngôn ngữ, giữ ý là được.


20.04.2020   Ger-Tansy

Dính mắc


Kính thưa đại chúng,

Sau hai tuần tổ chức khóa tu online vào tháng tư của cô Nhất Như, chúng tôi thảo luận về cái biết mà không dính mắc. Dẫn đi xa, lại nói chuyện về sự dính mắc và những rắc rối sinh ra bởi sự dính mắc trong việc tổ chức khóa tu này. Dính mắc là những kinh nghiệm mà ai cũng trải qua, ai cũng mắc phải, có gì để chia sẻ đây? Nhưng chúng tôi cũng cố gắng luận về sự dính mắc, bình thường, dễ thấy nhưng không biết làm sao mà tránh được. 

Dính mắc là gì và nó đến từ đâu:  Xin tạm định nghĩa, dính mắc có nghĩa là bám víu, chấp trước, hay tham đắm vào những đối tượng mà sáu căn tiếp xúc. Nói một cách nghiêm trọng thì sự dính mắc khiến con người bị kẹt trong vòng luân hồi sinh tử không thoát ra được. Còn nói đơn giản thì có ý thích cái gì thì dính mắc cái đó. Xét theo đó thì suốt ngày dính mắc, không phải rõ ràng quá sao? Còn nữa, làm ăn kiếm tiền thì dính mắc với tiền đã đành, nghe Pháp, đọc Kinh thì lại dính mắc vào ngôn từ, dính mắc vào sự hiểu biết. Keo gì mà dính dữ vậy? Keo đó có tên là THAM do lậu hoặc kết hợp với ý căn sản xuất ra. Mắt thấy đẹp liền dính mắc, tai nghe âm thanh hay liền dính mắc, mũi ngửi hương thơm liền dính mắc, lưỡi nếm vị ngon ngọt liền dính mắc, da xúc chạm ấm êm liền dính mắc, tâm tưởng tài danh liền dính mắc. Tóm lại là đụng tới đâu, dính mắc tới đó. Đó là lý do mà dính mắc trở nên nghiêm trọng và tưởng chừng như không có cách giải quyết.

Con đường của Thầy:  giải quyết dính mắc

Thật may mắn cho chúng ta, Đức Phật, hơn 2,500 năm trước đã chỉ ra một con đường.

 Bây giờ con đường đó đã được Thầy Thiền Chủ đơn giản hóa và hiện đại hóa thành con đường mới Không Nói. Ngài đã nhiệt tâm chỉ dạy cho chúng ta kỹ thuật thoát ra khỏi sự dính mắc của sáu căn một cách đơn giản mà nhanh chóng có kết quả. Đó là dùng trí năng tỉnh ngộ để thực hành hai từ „không nói“ và áp dụng miên mật kỹ thuật „không nói thầm trong não“ trong đời sống hàng ngày. Kết quả là chúng ta sẽ đạt được cái biết không lời, khi tiếp xúc, biết rõ ràng mà không còn dính mắc vào đối tượng nữa.

Trong nhiều bài giảng, Thầy Thiền Chủ thường dùng câu „bình cũ rượu mới“ để ví cho pháp không nói này đem đối chiếu với kinh Nguyên Thủy. Con đường mới này chính là con đường cũ mà Đức Phật đã thuyết cho các vị tỳ kheo ngày xưa.


Vượt qua trở ngại: khi giác quan tiếp xúc với đối tượng mà giữ được không nói thầm trong não thì trong tâm sinh ra nhẹ nhàng, khinh an, coi chừng dính mắc quá lâu vào trạng thái hỉ lạc này.

Lúc ngồi thiền mà xảy ra hoạt hóa thì nhớ là đừng dính mắc hay để ý quan sát, luôn trở về với chủ đề mà mình đang thực hành. Khi rơi vào trạng thái yên lặng thoải mái, tâm sinh ra ưa thích, coi chừng vô tình dính mắc và muốn giữ cái trạng thái yên yên, nhẹ nhàng đó.  Lần sau lại muốn tìm lại kinh nghiệm đó, mà quên cái biết. Đó là một sự dính mắc khó gỡ, khó nhận ra trong lúc ngồi thiền. Trên đây là những dính mắc mà chúng ta thường vướng vào, phải tự nhận ra và vượt qua.


Kết luận: Tiếp xúc với đối tượng mà trong đầu không nói thì không khởi ưa thích hay không ưa thích. Không có ưa ghét khởi lên thì không còn dính mắc. Con đường dễ đi, phương pháp rõ ràng, thực hành dễ quá phải không? Muốn không còn dính mắc thì không nói thầm trong não.


Nói về chứng đắc chính là dính mắc  vào sự chứng đắc.

Nói về giải thoát chính là dính mắc  vào sự giải thoát.

Không nói trong đầu thì không dính mắc. 

Biết có lời là cái biết có dính mắc.

Biết không lời là cái biết không dính mắc. 


Chúc quí vị vượt qua dính mắc bằng sự thực hành BIẾT mà không nói thầm trong não.


( tiếp tục phong trào chuyên tu thiền định của Thầy )

05.50-2020  Tan Sy

NHỮNG ĐIỀU CHIA SẺ CHO THIỀN SINH MỚI


Kính thưa đại chúng,


 Tiêu chuẩn của Thầy Thiền Chủ đặt ra cho thiền sinh của Thiền Tánh Không gồm có 4 yếu tố: kiến thức Phật học, kiến thức khoa học, kiến thức thiền học và kiến thức kỹ thuật thực hành. Đây là 4 tiêu chuẩn lý tưởng, sự thực thiền sinh khó mà hội được cả 4 yếu tố này.

Song song với kiến thức là phần thực hành. Riêng kinh nghiệm cá nhân chúng tôi thực hành có phần quan trọng hơn. An lạc, buông bỏ, tỉnh thức và có đạt được hay không „cái biết không lời“ là do sự thực hành miên mật; không bị lệch lạc bởi các pháp tu khác trước đây như tập trung tư tưởng hay quán tưởng.  Xin nhắc lại, những gì chia sẻ ở đây chỉ là kinh nghiệm cá nhân.

Trong lúc thực hành thiền, thiền sinh Tánh Không cần ghi nhớ một số không sau đây:


 Không để thân gồng cứng,

 Không để tâm căng thẳng,

 Không tập trung tư tưởng,

 Không tự kỷ ám thị, ( sử dụng ý thức để đạt ý muốn )

 Không suy nghĩ viển vông, ( để ý căn lẻn vào dắt đi chơi )

 Không tưởng tượng, ( sử dụng trí năng tư duy tạo ra tâm cảnh )

 Không đì thân, (đì = hành hạ ; chữ lóng, Thầy hay dùng)

        Không ngủ gục, (nên đứng lên thiền hành)

Không cố gắng chịu đựng,

 Không tự tạo áp lực,

 Không mong cầu kết quả,

 Cuối cùng là các pháp thực hành căn bản:

 Không đối thoại trong đầu (không tứ)

 Không nói thầm trong não (không tầm)

 (không định danh, không so sánh, không suy diễn...vv)

 Ngoài ra, Thầy thường nhắc nhở thiền sinh thêm một Không nữa:

 Không khen mình, chê người.

 

Ở trên chúng tôi có đề cập đến việc không tập trung tư tưởng hay quán tưởng mà các phương pháp thiền khác sử dụng. Xin được trình bày rõ thêm là không có vấn đề đúng hay sai ở đây, chỉ là việc dùng ý thức và trí năng không phù hợp với đường lối thực hành để đạt được „cái biết không lời“. Vì bản chất của quán vạn pháp vô thường hay quán thân vô ngã đều là sử dụng ý thức để thực hành. Con đường của Tánh Không là phát huy năng lực của tánh giác; đóng cửa ý thức, ý căn và trí năng.

Với 3 cái không đầu tiên, chúng ta dễ dàng điều phục qua các các bước thư giãn khởi đầu khi thực hành thiền mà chị Thịnh đã trình bày, đó là thư giãn thân, thư giãn tâm, thư giãn niệm. Mỗi khi vào thiền, cô Nhất Như đều nhắc nhiều lần: thả lỏng…buông…không suy tư nghĩ tưởng…vv. Tóm lại „ngồi thiền như ngồi chơi“ là cách diễn đạt đơn giản dễ hiểu nhất của 3 cái không đầu.

Lại bàn thêm về việc để ý căn lẻn vào dắt đi chơi, tức là phát hiện ra thân ngồi thiền, đầu suy nghĩ vớ vẩn mà không hay …úi chà! Chuyện bình thường của lính mới. „Biết vọng không theo“ là kim chỉ nam. Kinh nghiệm đối phó là không đối phó, khi phát hiện liền bỏ qua, đừng dây dưa, tìm hiểu. Lúc đó, nếu tự trách mình theo thói quen là làm mồi cho suy nghĩ dắt đi tiếp. Nhanh chóng trở lại với chủ đề mình đang thực hành, coi như không.

Xin chia xẻ thêm đề tài: buồn ngủ thì phải làm sao. Đừng lo lắng, vì đây cũng là chuyện thường tình của thiền giả ! Nhưng ngủ gục lại là chuyện nghiêm trọng, không nên để xảy ra. Khi có cảm giác buồn ngủ đến thăm thì nhanh chóng giải quyết, đừng cố gượng để rơi vào trạng thái ngủ gục. Nếu không khắc phục, nó sẽ tạo thành thói quen, rồi lâu dần sẽ trở thành quán tính của não bộ, ngồi xuống thiền là buồn ngủ rồi ngủ gục mà không hay. Như thế thì khó thay đổi lắm. Tốt nhất là khi cảm thấy buồn ngủ thì thở ba hơi nội lực, kế đó là đứng lên hiên ngang đi thiền hành với bài ca hai từ „không nói“, tự mình thầm hát, tự mình lắng nghe... (Đây chỉ là kinh nghiệm bản thân).

Đây là những điều chúng tôi xin chia sẻ với những thiền sinh mới tham gia phong trào tu định đưa thiền vào đời sống con người mà Thầy Thiền Chủ đã phát động từ nhiều năm qua. Chỉ mong là có thể giúp phần nào trong việc làm sáng tỏ đường lối và phương hướng thực hành thiền cho thiền sinh mới làm quen với Thiền Tánh Không.


18.04.2020  Tan Sy


Triệt tiêu bản ngã





Có người đã đặt câu hỏi: Vì sao trong mỗi con người đều tồn tại một bản ngã mà không thể nào triệt tiêu được?


Thực ra không tồn tại một bản ngã như ta nghĩ. Cái ý nghĩ có tồn tại một bản ngã, ngay ở đây, ý nghĩ ấy chính là cái tạo ra bản ngã. Bản ngã xuất hiện trong ý nghĩ ngay lúc ta suy nghĩ, nó chỉ là ảo, là ảnh của suy nghĩ, không thật có. Nhưng trong ý nghĩ lại xuất hiện một ngã thể muốn biết về sự tồn tại của bản ngã. Và xa hơn nữa có ai đó trong ý nghĩ muốn triệt tiêu bản ngã, là muốn triệt tiêu chính nó.

Ý muốn triệt tiêu Bản ngã là chuyện không thể nào thực hiện được. Khi mà ta muốn thì ngay đó bản ngã liền có mặt. Khi cái ý muốn không còn thì bản ngã cũng biến mất. Khi ý nghĩ vừa khởi lên thì bản ngã cũng theo đó mà xuất hiện, nó tồn tại trong suy nghĩ. Nhận ra khi ý nghĩ chưa khởi lên thì bản ngã chưa có. Dừng nghĩ suy thì bản ngã đâu còn. Xin hãy biết rằng bản ngã chỉ là tâm ảnh, tồn tại có điều kiện. Những điều kiện để bản ngã tồn tại là sự đồng hóa của suy nghĩ vào thân này với sự tồn tại cách biệt với các cá thể khác và môi trường chung quanh.

Nhìn thấy mà không suy nghĩ khởi lên, nghe biết, xúc chạm biết, mà tâm tư không khởi động, không gọi tên, không đánh giá hay suy diễn thì không có bản ngã ở đó. Dù là chỉ một vài giây ngắn, đó chính là trạng thái vô ngã. Bạn có thể duy trì trạng thái biết trong tĩnh lặng ấy chỉ một phút không. Thiền tập sẽ giúp bạn duy trì được trạng thái biết tĩnh lặng ấy. Thiền là cánh cửa dẫn đến tự do thật sự, tự do vì thoát khỏi ảo ảnh của bản ngã và thế giới khổ não do chính bản ngã tạo ra. Thiền là cánh cửa tự do và giải thoát.


 


Thiền với tham sân si


Nhiều người trong chúng ta hiểu lầm thiền là con đường thoát ra khỏi tham sân si. Muốn thoát, cố gắng nhiều năm, thậm chí cả đời không thoát được. Nói một cách khác chúng ta sợ chúng vì biết quá rõ rằng tham sân si đã nhiều lần làm khổ chúng ta. Càng sợ thì càng khổ, càng khổ thì càng sợ hơn nữa, quẩn quanh không dừng lại được. Nhưng không giáp mặt với tham sân si thì chúng ta là nạn nhân của chúng.

Thực chất tham sân si hình thành trong tâm là dựa trên cái biết có lời. Ý muốn thoát khỏi tham sân si cũng xuất phát từ cùng chung một gốc. Và nỗi sợ tham sân si làm khổ chúng ta nó cũng có gốc từ ý thức, ý căn và trí năng - tức là cái biết có lời. Nếu không nhận ra thì chúng ta sẽ bị quẩn quanh trong tư duy lý luận.

Chúng ta thường có thói quen là giải thích và tìm hiểu tham sân si qua ngôn ngữ, tức là thông qua cái biết có lời. Lời nói dẫu có cao siêu cũng không chấm dứt được tham sân si, nhưng đó là thói quen mà tất cả chúng ta đã học hỏi và huân tập được. Chúng ta muốn thực hành „không nói“ để đi đến cái biết không lời mà không biết rõ sự thật quan trọng này thì khó mà đi đến đích. Thiền là nhận ra giới hạn của ngôn ngữ, sự bế tắc của thói quen cũ, thiết lập một thói quen mới, thói quen biết không lời, giáp mặt với tham sân si mà không có lời nói trong đầu.

Khi tâm tham nổi lên, biết cái tham đó là cái biết, vậy cái tham là đối tượng của cái biết. Giáp mặt với tâm tham là nhìn thấy và nhận biết mà không có lời nói trong đầu. Chỉ đơn thuần biết nó mà không xua đuổi hay tự trách. Xua đuổi hay tự trách là rơi vào lại trong lời nói, không còn giáp mặt với tâm tham nữa. Duy trì sự giáp mặt đó là duy trì được cái biết không lời.

Tâm sân hay tâm si cũng đều như thế, ngay lúc giáp mặt thì cái biết không lời cũng có mặt, không biện bạch, phân giải. Dẫu truy tìm nguyên nhân của tham sân si thì chỉ là quay về với khái niệm và ngôn ngữ. Khi tham sân si nổi lên trong tâm thì khái niệm và ngôn ngữ chỉ là phương tiện để chạy trốn khỏi thực tại.

Khi bạn hy vọng về một điều gì thì biết ngay tâm tham bắt đầu.

Thất vọng khi việc không thành, tâm bất mãn xảy ra, biết ngay tâm sân bắt đầu.

Đau buồn vì việc đã qua, biết ngay tâm si dẫn mình vào bóng tối của quá khứ.

Không ngừng khởi lên nỗi khổ tâm vì mình đã thất bại, đó là đánh mất mình trong quá khứ. Đưa thiền vào đời sống hay sống thiền là giáp mặt đời sống, là giáp mặt với tham sân si ngay lúc nó xảy ra. Ngay lúc giáp mặt, tâm tĩnh lặng không lời là ánh sáng, tham sân si biến mất, bóng tối không còn nữa.


 

Share by: